Hướng dẫn cách nặn mụn đầu đen tại nhà chuẩn y khoa
Bạn có biết, nặn mụn đầu đen không đúng cách có thể khiến lỗ chân lông to hơn và tình trạng da ngày càng trở nên tồi tệ, đặc biệt là ở vùng mũi – nơi thường xuyên xuất hiện loại mụn cứng đầu này? Vậy có nên tự ý nặn mụn đầu đen tại nhà? Làm thế nào để nặn mụn đầu đen an toàn và hiệu quả mà không gây hại cho da?
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách nặn mụn đầu đen tại nhà với 8 bước chuẩn y khoa được Thạc sĩ, bác sĩ CKI Phạm Trường An, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ.
Có nên tự ý nặn mụn đầu đen tại nhà?
“Có nên nặn mụn đầu đen hay không?” là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Mụn đầu đen xuất hiện khi nang lông bị tắc nghẽn bởi dầu thừa, vi khuẩn và tế bào da chết. (1)
Mụn đầu đen thường cứng đầu và khó loại bỏ. Nhiều người vì thế đã chọn cách tự nặn mụn để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nên tránh tự ý nặn mụn đầu đen vì 3 lý do chính sau:
1. Không loại bỏ được mụn tận gốc
Mụn đầu đen thường khó loại bỏ hoàn toàn. Khi nặn không hết nhân mụn, da sẽ bị kích ứng và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, biến mụn thành nốt sần hoặc nốt nang. Quá trình này cũng khiến lỗ chân lông bị giãn nở vĩnh viễn.
2. Dầu và vi khuẩn sẽ gây ra nhiều mụn đầu đen hơn
Nhân mụn đầu đen chứa vi khuẩn gây hại ẩn dưới da. Vi khuẩn này thường tồn tại trong nang lông nhưng khi nặn mụn, chúng có thể lây lan sang vùng da xung quanh, khiến các nang lông bên cạnh cũng bị tắc nghẽn. Từ đó hình thành mụn nhọt, mụn mủ, mụn đầu đen ở mũi, nặng hơn là mụn viêm, mụn bọc ở các vị trí mũi, cằm, trán.
Ngoài ra, nặn mụn đầu đen cũng làm tăng nguy cơ để lại sẹo rỗ, thâm mụn trên da.
dầu và vi khuẩn gây nhiều mụn đầu đen
Dầu và vi khuẩn là nguyên nhân khiến mụn đầu đen xuất hiện
3. Có thể gây kích ứng, viêm da
Nặn mụn tạo ra áp lực mạnh lên da, gây kích ứng và viêm nhiễm. Nếu chăm sóc da không đúng cách sau khi nặn mụn, có thể để lại sẹo và thậm chí là các đốm đen do tăng sắc tố da sau viêm. Mụn đầu đen chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng sẹo và đốm đen lại kéo dài.
Vì vậy, để tránh tổn thương da, bạn nên hạn chế tự ý nặn mụn đầu đen.
Hướng dẫn 8 bước nặn mụn đầu đen tại nhà chuẩn y khoa
Nặn mụn đầu đen phải đúng cách, tránh lạm dụng để không gây tổn thương cho da. Dưới đây là chi tiết 8 bước nặn mụn đầu đen tại nhà chuẩn y khoa được bác sĩ chia sẻ:
1. Nhận diện mụn đầu đen: Mụn đầu đen có phần cồi mụn nhô ra, màu đen và cứng, thường lớn hơn và làm phình to lỗ chân lông theo kích thước nhân bên trong.
2. Chuẩn bị dụng cụ:
- Miếng dán hoặc mặt nạ lột mụn, tăm bông nặn mụn.
- Bông tẩy trang.
- Nước ấm.
- Sản phẩm làm sạch da: Sữa rửa mặt, tẩy tế bào chết, nước cân bằng da (toner).
- Sản phẩm dưỡng ẩm, làm dịu da: Tinh chất HA.
3. Làm sạch da, khử khuẩn dụng cụ:
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Vệ sinh dụng cụ bằng cồn sát khuẩn.
- Chọn sữa rửa mặt phù hợp với loại da và có độ pH cân đối (khoảng 5.5 – 6) để không làm tăng tiết dầu trên da.
rửa tay sạch trước khi nặn mụn đầu đen
Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi nặn mụn
4. Tẩy tế bào chết: Tẩy tế bào chết giúp loại bỏ các tế bào chết dưới da và hỗ trợ đẩy nhân mụn lên.
5. Xông hơi hoặc dùng nước ấm: Chuẩn bị 1 miếng bông tẩy trang nhúng vào nước ấm và đặt lên vùng da có mụn đầu đen trong khoảng 3 phút. Cách này giúp các nang lông bị bít tắc được nới lỏng, lỗ chân lông được mở rộng, từ đó nhân mụn dễ dàng được lấy ra mà không cần nặn mạnh.
6. Lấy nhân mụn đầu đen:
- Cách 1: Sử dụng tăm bông kháng khuẩn, ấn nhẹ nhàng lên vùng đầu đen. Lưu ý chỉ áp dụng lực vừa đủ, tập trung vào nhân mụn, tránh nặn mạnh gây tổn thương cho da.
- Cách 2: Sử dụng gel hoặc mặt nạ lột mụn đầu đen, tuân theo hướng dẫn sử dụng.
7. Làm sạch da sau khi nặn mụn:
- Bước 1: Rửa sạch da với nước muối sinh lý.
- Bước 2: Làm sạch sâu và cân bằng độ pH cho da bằng toner.
8. Dưỡng ẩm và làm dịu da: Sử dụng serum HA lỏng, có khả năng dưỡng ẩm cao, không gây bít tắc nang lông.
Hướng dẫn chăm sóc da sau khi nặn mụn đầu đen
Chăm sóc da sau khi nặn mụn đầu đen rất quan trọng. Khi nhân mụn được đẩy lên, bạn cần tiến hành làm sạch da với sữa rửa mặt dịu nhẹ.
Gợi ý quy trình chăm sóc da sau khi nặn mụn:
- Bước 1: Rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Bước 2: Thoa kem dưỡng ẩm phù hợp.
Cách hạn chế mụn đầu đen tái phát
Mụn đầu đen rất dễ tái phát nếu chăm sóc da không đúng cách. Để hạn chế mụn đầu đen quay lại, việc làm sạch da đúng cách và kiểm soát lượng dầu tiết ra trên da rất quan trọng.
Một số cách hạn chế mụn đầu đen tái phát:
- Lựa chọn sản phẩm làm sạch da phù hợp: Làm sạch da 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối. Tránh rửa mặt quá nhiều lần trong ngày.
- Chọn các sản phẩm lỏng nhẹ, kiểm soát nhờn: Ưu tiên chọn kem dưỡng hoặc serum có ghi chú “oil control”.
- Hạn chế sờ tay lên mặt, không dùng tay cạy và nặn mụn.
- Kết hợp bôi các sản phẩm có thành phần trị mụn: Sử dụng các sản phẩm có thành phần bong sừng như retinoid hoặc axit salicylic. Tuy nhiên, cần lưu ý không tự ý mua và sử dụng các sản phẩm trị mụn đầu đen chứa nồng độ cao của AHA, BHA để tránh tác dụng phụ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi mụn đầu đen xuất hiện dày đặc hoặc tái phát nhiều lần, bạn cần đến gặp bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da để được điều trị kịp thời.
điều trị mụn đầu đen cho bệnh nhân
Bác sĩ thăm khám và điều trị mụn đầu đen
Nặn mụn đầu đen tại nhà nếu không đúng cách dễ làm da bị tổn thương. Thông qua bài viết này, bạn đã nắm được 8 bước nặn mụn đầu đen tại nhà chuẩn y khoa để mang lại hiệu quả an toàn, tránh để lại thâm, sẹo trên da. Bên cạnh đó, cần duy trì quá trình chăm sóc da đầy đủ và đều đặn để đảm bảo da luôn khỏe mạnh và tươi sáng.